artLIVE – Xung quanh muỗi – loài động vật phiền nhiễu với những vết cắn gây ngứa ngáy cho con người thực ra có rất điều thú vị mà có thể bạn chưa biết.
Sự vô tội của muỗi đực
Thực ra chỉ có muỗi cái mới là con vật gây ra sự ngứa ngáy và khó chịu cho bạn! Khác so với muỗi đực, muỗi cái sở hữu hình dạng vòi đặc biệt để hút máu các loài vật khác. Vòi của chúng có hai ống, ống đầu tiên để tiêm enzym ức chế đông máu và ống kia sẽ dùng để hút máu vào bụng.

Đừng nhầm tưởng rằng muỗi cái hút máu để thỏa mãn sự đói bụng của mình. Kỳ thực, thức ăn chính của muỗi cái và muỗi đực vẫn là mật hoa, mật ong, nhựa cây,… Muỗi cái chỉ hút máu con người khi mang thai vì lúc này chúng cần bổ sung protein cho trứng.
Chúng ta ngứa ngáy là do… chính mình
Khi muỗi cắn bạn, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ nhận ra điều bất ổn. Chính vì thế, chúng sẽ giải phóng một hợp chất gọi là histamine. Hợp chất này gửi tín hiệu đến các dây thần kinh quanh vết cắn, khiến nó bị ngứa.

Vậy nên, muỗi không phải nguyên nhân chính gây ra cảm giác khó chịu ấy cho bạn. Đừng cố gắng gãi vào vết muỗi cắn vì bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy hơn!
Vùng đất vắng bóng loài muỗi
Nếu ghét cay ghét đắng loài muỗi và vô cùng khó chịu khi phải chung sống với chúng, có lẽ Iceland sẽ là quốc gia lý tưởng dành cho bạn. Đây là một trong những vùng đất hiếm hoi trên thế giới vắng bóng loài vật này.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân cho hiện tượng trên. Không giống như Nam Cực – nơi sở hữu điều kiện khí hậu khắc nghiệt đến mức dù muỗi hay con người cũng không thể sinh sống được, Iceland lại không thiếu ao, hồ để muỗi sinh sản. Thậm chí, loài côn trùng này cũng xuất hiện rất nhiều ở các quốc gia láng giềng của Iceland như Na Uy, Đan Mạch, Scotland, thậm chí cả Greenland – nơi có 80% diện tích là băng.

Có ý kiến cho rằng vì Iceland có những đợt đóng băng và tan chảy xảy ra nối tiếp nhau vào mỗi năm, nên loài muỗi khó lòng sinh sôi tại đây. Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào cho bí ẩn kỳ lạ này tới tận ngày nay.
Muỗi ‘chọn lựa’ những người bị cắn
Trong một đám đông, bạn liên tục bị muỗi cắn trong khi người bên cạnh lại không? Đừng vội đổ lỗi do mình xui xẻo, bởi bạn chỉ đang sở hữu những yếu tố mà loài muỗi đặc biệt yêu thích mà thôi!
Muỗi bị thu hút bởi các đặc tính hóa học trong cơ thể của một số người hơn những người khác. Đó chính là nhiệt độ cơ thể, mùi, carbon dioxide và axit lactic – hợp chất hữu cơ có trong mồ hôi.

Chúng sẽ dùng những cơ quan thụ cảm và thị giác của mình để tìm kiếm nạn nhân dựa trên các đặc tính này. Muỗi có thể phát hiện ra bữa ăn tiếp theo của mình từ khoảng cách 50 mét.
Muỗi hoạt động năng nổ hơn… vào ngày rằm
Dù trăng tròn được cho là nguyên nhân gây ra nhiều hiện tượng kỳ lạ trong tưởng tượng lẫn ngoài đời thật, nhưng việc muỗi đốt bạn nhiều hơn do trăng tròn thì thật là khó tin!
Tiến sĩ Mireille Marcotte, Giám đốc Quốc gia về Giám sát Sức khỏe Thực vật của Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA), cho biết dù các nhà khoa học vẫn chưa xác định được lý do, nhưng các nghiên cứu cho thấy muỗi hoạt động nhiều hơn trong thời gian trăng tròn. Thậm chí, trăng tròn có thể làm tăng hiệu suất hoạt động của họ nhà muỗi lên gấp 5 lần.

Một vài quan điểm lí giải rằng vì muỗi sử dụng các tín hiệu thị giác để tìm bữa ăn tiếp theo nên trăng tròn sẽ tạo điều kiện để chúng thực hiện việc này dễ dàng hơn.
Muỗi có thể sinh sản chỉ với một lượng nước nhỏ
Ao tù nước đọng hoặc đất đai ẩm là điều kiện lý tưởng để muỗi sinh nở. Chúng chỉ cần một lượng nước nhỏ, thậm chí như gần một thìa cà phê cho việc đẻ trứng.

Chính vì thế, bạn cần phải cẩn trọng với lốp xe cũ, lu đựng nước hay thậm chí cả nắp chai,… – những đồ vật quen thuộc nhưng có thể là môi trường lý tưởng cho đàn muỗi sinh sôi nảy nở.
Ngày Muỗi Thế giới
Vào ngày 20/8/1897, bác sĩ người Anh Ronald Ross đã có một khám phá mang tính lịch sử. Ông phát hiện ra rằng muỗi cái Anopheles có thể truyền bệnh sốt rét giữa người với người thông qua loại ký sinh trùng nằm trong dạ dày của chúng.
Để kỷ niệm dấu mốc lịch sử này, Ngày Muỗi Thế giới (World Mosquito Day) được ra đời. Mỗi năm, ngày lễ đặc biệt này sẽ mang đến cho chúng ta cơ hội nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm do các bệnh truyền nhiễm mà muỗi gây ra. Bên cạnh đó, con người sẽ ý thức về việc nỗ lực không ngừng nhằm chống lại loài sinh vật nguy hiểm bậc nhất trên thế giới này.

Bên cạnh đó vào năm 2007, tại kỳ họp lần thứ 60, tổ chức Y tế thế giới đã nhất trí chọn ngày 25 tháng 4 là “Ngày sốt rét thế giới” với mục đích truyền thông giáo dục cho cộng đồng về bệnh sốt rét, nâng cao hiểu và phương pháp phòng chống bệnh.
Lợi ích của loài muỗi
Dù là một trong những loài vật nguy hiểm nhất thế giới, muỗi vẫn có những tác dụng đối với đời sống. Chúng là nguồn thức ăn quan trọng của ếch, chim, dơi, cá,… Theo các nhà bảo vệ môi trường, hệ sinh thái có thể chịu ảnh hưởng bất lợi nếu muỗi hoàn toàn tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, chúng cũng có những đóng góp đáng kể cho y học. Vòi hút máu của muỗi giúp các nhà khoa học thiết kế loại kim tiêm ít đau hơn. Ngoài ra, loại protein có tên anopheline có trong nước bọt của muỗi có thể giúp ích trong việc nghiên cứu thuốc chống đông máu, giãn nở mao mạch,…
Tham khảo:
worldmosquitoprogram.org
ent.uga.edu
ctvnews.ca
nytimes.com