Art Movements

Moku Hanga: Kỹ thuật in mộc bản cổ truyền tại Nhật Bản

Annie Nguyen |

artLIVE – Moku Hanga là kỹ thuật in mộc bản cổ truyền của Nhật Bản với nhiều tuyệt tác ấn tượng như ‘Great Wave’ của Hokusa và ‘The Plum Garden in Kameido’ của Hiroshige. Moku Hanga đòi hỏi sự tỉ mỉ, tay nghề cao siêu của một đội ngũ nghệ nhân từ điêu khắc, phối màu, đến in ấn thành phẩm.

dung-cu-moku-hanga
Moku Hanga là kỹ thuật in mộc bản cổ truyền của Nhật Bản. Ảnh: Jackson’s Art Supplies.

Kỹ thuật in mộc bản Moku Hanga và dòng chảy lịch sử

Khi tách từng từ đơn và giải nghĩa, Moku (mộc) nghĩa là gỗ và Hanga nghĩa là in ấn đã phần nào bao quát được bản chất của loại hình nghệ thuật thủ công này. Hai trong số tứ đại phát minh của người Trung Quốc cổ đại là giấy và in ấn đã đặt nền móng cho kỹ thuật in mộc bản Moku Hanga của Nhật Bản.

Những dấu vết đầu tiên của kỹ thuật in mộc bản được tìm thấy vào thời nhà Hán (206 TCN – 220 CN) khi hoàng thất Trung Quốc sử dụng chúng thay thế cho thủ ấn. Ngoài ra, kỹ thuật in ấn này còn cho phép người dùng có thể sao chép hàng loạt các thiên văn tự, thơ từ, ca phú trong thời gian ngắn. Vì vậy, các tăng lữ cũng nhanh chóng áp dụng kỹ thuật này vào công tác truyền đạo của mình.

ky-thuat-in-moc-ban-kinh-phat
Tăng lữ áp dụng kỹ thuật in mộc bản cho mục đích truyền đạo. Ảnh: luxuo.vn.

Vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, kỹ thuật in mộc bản lần đầu du nhập vào Nhật Bản vào thời kỳ Asuka (550 CN -710 CN) và chủ yếu được sử dụng bởi tầng lớp hoàng tộc và tăng lữ. Xuyên suốt 800 năm lịch sử, từ thời kỳ Heian đến Muromachi, nghệ nhân Nhật Bản áp dụng kỹ thuật in mộc bản cho mục đích tôn giáo như in ấn Khế Kinh, hình vẽ Mạn Đà La, và chân dung các vị Phật.

Chuyển sang thời kỳ Edo (1603-1867), Moku Hanga không còn bị giới hạn bởi rào cản giai cấp mà được “tự do vẫy vùng” trước hàng vạn ánh nhìn của công chúng. Các tác phẩm tranh ảnh và thơ ca Moku Hanga được in ấn và bán ra số lượng lớn với giá cả vô cùng phải chăng.

Thời gian không ngừng vận động và nền văn minh nhân loại cũng theo đó mà phát triển. Từ loại mực đen (sumi) ban đầu, các nghệ nhân Moku Hanga điểm tô thêm nhiều màu sắc như xanh (gunjo), đỏ sậm (hon yoko), đỏ cam (shu),… tạo nên trường phái nghệ thuật tranh phù thế (ukiyo-e).

moku-hanga-nghe-thuat-co-truyen
Moku Hanga và trường phái nghệ thuật tranh phù thế. ziolkoski.eco

Moku Hanga: cảm hứng sáng tạo đến từ nguyên liệu bình dị

Để tạo nên một bức tranh Moku Hanga cổ truyền đòi hỏi người nghệ nhân phải chuẩn bị nhiều nguyên vật liệu, công cụ điêu khắc khác nhau, và tuyệt nhiên chúng phải đến từ thiên nhiên.

Từ gỗ, giấy in, bột màu, cho đến từng con dao chạm khắc chuyên dụng đều được lựa chọn kỹ càng từ những công ty sản xuất lâu đời nhằm đảm bảo thành phẩm có thể chống lại sự “tàn phá” của thời gian.

dung-cu-in-moku-hanga
Bộ dụng cụ sử dụng trong kỹ thuật in Moku Hanga. Ảnh: wypw.org.

Ở khâu lựa chọn loại gỗ, các nghệ nhân điêu khắc sẽ ưu tiên cho chất gỗ rắn chắc với đường vân chặt chẽ, đồng đều, và hạn chế các loại gỗ quá mềm. Đồng thời, bề mặt gỗ phẳng cũng là một điểm cộng vì nó sẽ đảm bảo quá trình điêu khắc diễn ra trơn tru và lớp màu dễ dàng phủ đều lên bề mặt bản in. Cây Shina (Cây Đoạn Nhật Bản), chủ yếu sinh trưởng ở các vùng khí hậu lạnh của Nhật bản, chính là một trong những sự lựa chọn hàng đầu.

Giấy in cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng quyết định chất lượng của tác phẩm Moku Hanga. Loại giấy (washi) đặc biệt được dùng trong kỹ thuật in mộc bản cổ truyền thường được lấy từ lõi cây dâu tằm (kozo) hoặc các loài cây bụi khác (Gampi). Hai loại giấy này có độ dai và bền cao, giúp chúng chịu lực tốt và không dễ bị rách khi người nghệ nhân ấn chặt mộc bản lên giấy.

Mực in của Moku Hanga chủ yếu là bột màu thiên nhiên pha trộn với nước theo một tỉ lệ chuẩn. Trước khi phết màu lên mộc bản, người nghệ nhân sẽ cho thêm một ít rượu hoặc hồ dán (làm từ gạo) để tăng độ bền màu cho tác phẩm.

bot-mau-moku-hanga
Mực in của Moku-hanga chủ yếu là bột màu thiên nhiên. Ảnh: en.edotokyokirari.jp.

Các công đoạn phức tạp của Moku Hanga

Kỹ thuật in mộc bản không đơn giản chỉ là sơn phết và in ấn, nó bao hàm nhiều phạm trù nghệ thuật khác như hội hoạ và điêu khắc. Mỗi phạm trù được đan xen vào từng công đoạn khác nhau của Moku Hanga và được đảm nhận bởi một nghệ nhân lành nghề.

  1. Thiết kế bản vẽ trên giấy
moc-ban
Các bậc thầy hội họa (eshi) sẽ vẽ mẫu những bản nháp (hanshita-e) lên giấy. Ảnh: tsunagujapan.com.

Các bậc thầy hội họa (eshi) sẽ vẽ mẫu những bản nháp (hanshita-e) lên giấy để làm mẫu cho các mảnh mộc bản sử dụng trong quá trình in.

Trước tiên, họ phải xem xét toàn bộ bố cục trước khi đặt bút vẽ bản phác thảo sơ bộ. Sau khi xác định được bố cục, hoạ sư sẽ bắt tay vào phác thảo từng đường nét chi tiết và các khối màu của tác phẩm. Bản phác thảo vô cùng quan trọng vì các nghệ nhân điêu khắc sẽ dựa vào đó để điêu khắc các tấm mộc bản Moku Hanga.

  1. Điêu khắc mộc bản
dieu-khac-moku-hanga
Nghệ nhân dùng con dao nhỏ tỉ mỉ chạm khắc dọc hai bên đường viền. Ảnh: tsunagujapan.com.

Sau khi các hoạ sư hoàn tất bản thiết kế, chúng sẽ được chuyển cho các nghệ nhân điêu khắc (horishi). Tuỳ vào độ chi tiết, họ sẽ lựa chọn kích thước và chất gỗ cho phù hợp.

Đầu tiên, thợ điêu khắc dùng tay bôi một lớp hồ mỏng lên mặt phẳng của khối gỗ, áp bản phác thảo lên trên, và dùng con dao nhỏ tỉ mỉ chạm khắc dọc hai bên đường viền.

Tiếp theo, người ta sử dụng một cây búa nhỏ (kozichi) tạo lực lên dao đục (nomi) để khoét đi những phần gỗ thừa và những mảng trống không được in màu trên bản vẽ. Đến bước này, thiết kế sơ bộ của mộc bản đã dần hoàn thiện. 

Nghệ nhân thủ công tiếp tục sử dụng một con dao đục nhỏ hơn (sukinomi) để chạm khắc những chi tiết phức tạp trên bản vẽ thành phẩm (omohan).

Toàn bộ quá trình được thực hiện thủ công bởi đôi bàn tay điệu nghệ của các nhà điêu khắc và ước tính họ phải mất gần một tháng để hoàn thành một mộc bản.

  1. Tô màu và in
to-mau-moku-hanga
Nghệ nhân tô màu cho các tấm mộc bản. Ảnh: tsunagujapan.com.

Sau khi các khối mộc bản cần cho một tác phẩm Moku Hanga đã đầy đủ, các nghệ nhân tô màu và in ấn (surishi) sẽ đảm nhận công đoạn tiếp theo.

So sánh với kỹ thuật in phương Tây dùng con lăn sơn để tô màu thì kỹ thuật in Moku Hanga lại ưu tiên sử dụng cọ vẽ (hanga-bake). Người thợ dùng cọ lấy một lượng màu vừa phải, tô màu theo chuyển động tròn để đảm bảo mực len lỏi đều vào kẽ hở của từng tấm mộc bản. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng tạo được độ chuyển màu vô cùng tự nhiên mà các phương pháp in ấn khác khó mà đạt được.

baren
Nghệ nhân sử dụng baren trong quá trình in ấn. Ảnh: tsunagujapan.com.

Khi bắt đầu in, nghệ nhân sẽ căn chỉnh giấy washi, trải giấy lên mộc bản đã tô màu, và dùng baren (dụng cụ có tay cầm bằng gỗ và một mặt phẳng bọc vải) đè thật chặt để in thiết kế lên giấy. Công đoạn in này có thể được lặp lại nhiều lần cho đến khi người nghệ nhân hài lòng với độ lên màu và chuyển sang in các chi tiết khác.

Bảo tồn và tiếp nối kỹ thuật in mộc bản Moku Hanga 

adachi-institute-of-woodcut-prints
Học viện Adachi Institute of Woodcut Prints. Ảnh: Tripadvisor.com.

Gắn liền với các giá trị văn hoá và lịch sử, kỹ thuật in mộc bản Moku Hanga vẫn chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong lòng những người hâm mộ nghệ thuật cổ truyền Nhật Bản. Không chỉ xuất hiện trong các ấn phẩm giấy, Moku-hanga còn được ứng dụng trong lĩnh vực thời trang như in hoạ tiết áo kimono và nghệ thuật đường phố stencil graffiti.

Tuy nhiên, vài thập niên trở lại đây, các kỹ thuật in ấn hiện đại hơn dần xuất hiện dẫn đến nhu cầu in thủ công sụt giảm và các truyền nhân của Moku Hanga dần mai một. Học viện Adachi Institute of Woodcut Prints là một trong số ít nơi tham gia vào quá trình bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này. Viện đang cộng tác với 11 nghệ nhân Moku Hanga với hơn 20 năm kinh nghiệm và các nghệ nhân trẻ tuổi khác để triển khai giảng dạy kỹ thuật in độc đáo này.

Tham khảo:

tsunagujapan.com

jacksonsart.com

luxuo.vn

tanukiprints.com

wetpaintgalleryonline.com

printdayinmay.com

tokyoweekender.com

acwwoodcuts.com

Viết bình luận
Chia sẻ

Bài viết liên quan

Sheraton Nha Trang Hotel & Spa chào đón bếp trưởng mới trên hành trình ẩm thực
Sheraton Nha Trang Hotel & Spa chào đón bếp trưởng mới trên hành trình ẩm thực
Khám phá 10 tác phẩm tượng đài của Caravaggio giữa lòng Rome (Phần 1)
Khám phá 10 tác phẩm tượng đài của Caravaggio giữa lòng Rome (Phần 1)
Christian Dior: Designer of Dreams – khi thời trang đối thoại cùng di sản Hàn Quốc
Christian Dior: Designer of Dreams – khi thời trang đối thoại cùng di sản Hàn Quốc
Arvo Pärt: tiếng vọng của sự vĩnh hằng trong âm nhạc
Arvo Pärt: tiếng vọng của sự vĩnh hằng trong âm nhạc