What's on

‘Địa tầng số 0 | Stratum Zero’ – Mặt cắt đa tầng của nghệ thuật Việt đương đại

Diệu Linh |

artLIVE – ‘Địa tầng số 0’ là triển lãm nhóm trưng bày tác phẩm của 12 nghệ sĩ tài năng với mong muốn bóc tách bối cảnh thẩm mỹ và kiến tạo quang cảnh tinh thần Việt Nam đương đại thông qua lối thực hành xử trí và tái cấu trúc ngôn ngữ chất liệu.

Thứ ba ngày 12-9, triển lãm “Địa tầng số 0” | Stratum Zero đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật The Outpost, Roman Plaza, Tháp B1 (Tầng 2), Tố Hữu, Hà Nội. Triển lãm như một cuộc hành trình nhằm khai đào, ráp nối những dấu tích còn bị vùi lấp, che phủ của văn hóa dân gian và triết lý Á Đông. Thông qua những góc nhìn lịch sử ẩn mật, ngoại biên, người xem sẽ có cơ hội bước vào thế giới của kí ức, suy tưởng và ý niệm đầy sáng tạo, độc đáo.   

Dia_tang_so_0
Khách tham quan bước vào không gian hấp dẫn của “Địa tầng số 0”.
Ảnh: Helly Tống

Về The Outpost 

The Outpost, hoạt động trên tôn chỉ của một bảo tàng đương đại quy mô nhỏ, được thành lập bởi doanh nhân và nhà sưu tập trẻ Ariel Phạm. Niềm đam mê nghệ thuật đã dẫn lối cô đến với ý tưởng tạo nên The Outpost – một “tiền trạm” đóng quân ở nơi đường biên ranh giới giữa truyền thống và hiện đại. Nơi đây ẩn chứa di sản từ hậu phương – những thực hành truyền thống và chủ động đối đầu với những chất liệu sáng tác của tương lai như in 3D, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… The Outpost thể hiện nỗ lực đồng hành cùng những nghệ sĩ thâm niên cũng như các tài năng trẻ và mở rộng mạng lưới kết nối cùng chí hướng về nghệ thuật ở cả trong và ngoài nước.

Thông qua Bộ sưu tập The Outpost, tổ chức này mong muốn giới thiệu nghệ thuật đương đại tới với công chúng thông qua nhiều hình thức đa dạng từ triển lãm, tọa đàm, chiếu phim đến các dịch vụ đặc thù và giải pháp cho việc sưu tập và thưởng ngoạn nghệ thuật. The Outpost mong muốn tạo ra một không gian gặp gỡ giữa công chúng và các thực hành sáng tác khác nhau, từ đó xây dựng nhóm khán giả nền tảng cho nghệ thuật đương đại.

Nơi những thế hệ nghệ sĩ Việt quy tụ

“Địa tầng số 0” mong muốn mang lại hình dung về một “không gian lưu trữ trầm tích thời gian”. Tên gọi này lấy ý tưởng từ “địa tầng” – các lớp vật chất xếp chồng lên nhau tạo thành vỏ Trái đất nhằm gợi ra những liên tưởng về sự tích tụ, hấp thu và lắng đọng của các mạch ngầm văn hóa và biến động lịch sử chồng chất. Số 0 tuy là một con số thực nhưng đồng thời mang ý nghĩa về sự không có thực, khoảng trống và hư vô. “Địa đàng số 0” sẽ định vị điểm khởi đầu – nơi các vết tích bắt đầu lộ diện trên bề mặt, từ đó bắt đầu khai đào, ráp nối những dấu tích còn bị vùi lấp.  

Triển lãm nhóm “Địa tầng số 0” quy tụ 12 nghệ sĩ Việt Nam nằm trong Bộ sưu tập The Outpost bao gồm: Điềm Phùng Thị, Võ An Khánh, Nguyễn Huy An, Hoàng Dương Cầm, Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Thị Thanh Mai, Phạm Trần Việt Nam, Phan Thảo Nguyên, Phi Phi Oanh, Hà Mạnh Thắng, Trần Tuấn và Trương Công Tùng. Bên cạnh sự góp mặt của hai cố nghệ sĩ nổi danh của nghệ thuật Việt Nam là điêu khắc gia Điềm Phùng Thị và nhiếp ảnh gia Võ An Khánh, “Địa tầng số 0” cũng mang đến cuộc hội ngộ bất ngờ của các thế hệ nghệ sĩ thành danh đến từ những hệ thống đào tạo mỹ thuật trong nước như Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nghệ thuật Huế. Sự tiếp bước những cây đại thụ của các tài năng trẻ đã tạo nên cuộc đối thoại giữa những thế hệ, góp phần mang đến góc nhìn mới lạ cho bức tranh nghệ thuật Việt Nam đương đại. 

the_outpost
Triển lãm quy tụ 12 tài năng của nền nghệ thuật Việt.
Ảnh: Địa tầng số 0

Hành trình khai mở những trầm tích thời gian

Nỗ lực ghi dấu dòng chảy bền bỉ của văn hóa dân gian và triết lí Á Đông được thể hiện thông qua 27 tác phẩm, được chia thành ba mạch nội dung chính: Cơ thể như một quang cảnh, Tính thiêng của vật chất Lịch sử – những diễn cảnh ẩn mật.

Khu vực đầu tiên của triển lãm Cơ thể như một quang cảnh dù không trực tiếp thể hiện nhưng vẫn mang đến hình dung về sự hiện diện rất rõ rệt của cơ thể. Các tác phẩm thể hiện quá trình nhìn nhận lại ranh giới trong và ngoài cơ thể vật lý, cũng như soi chiếu vào vết hằn nội tâm của một hình hài luôn “phải” trình diễn. Thông qua những thủ pháp sáng tác đậm tính hành lễ và hành vi cử chỉ mang tính trình diễn, các nghệ sĩ Trương Công Tùng với “Chân dung vắng mặt”, Nguyễn Thị Thanh Mai với “Bên ngoài”, Lý Trần Quỳnh Giang với “Tiếng Nói”, Nguyễn Huy An với “Bài luyện tập cảm xúc” và Phạm Trần Việt Nam với “văn tế Thập loại Chúng sinh” đã mở ra một quang cảnh xã hội với những dịch chuyển và biến động không ngừng. 

trien_lam
Chuỗi tranh khắc gỗ của Lý Trần Quỳnh Giang. 
Ảnh: Hoàng Lê

Khu vực thứ hai của triển lãm Tính thiêng của vật là hành trình sử dụng vật chất như một chất dẫn quan trọng để khai đào những mạch ngầm bản địa. Những tác phẩm sử dụng sơn mài, giấy, mực, vật chất hữu cơ để tương tác với môi trường tự nhiên, từ đó truyền tải câu chuyện về vùng đất nơi chúng ra đời. 

Hà Mạnh Thắng mang đến bốn tác phẩm thuộc chuỗi tranh Nghiên cứu bệ sen cổ sử dụng cảm giác về vật liệu, tính thiêng và màu sắc để truyền tải những vết tích của thời gian. Với “Ụ đất tha hương”, Trương Công Tùng gợi ra câu chuyện về một cơ thể được làm từ đất, bụi, tro,… bị phân chia thành 24 mảnh linh hồn. Đến với Phi Phi Oanh, “Hộp đen” – tác phẩm đầu tiên đánh dấu các chủ đề vẫn luôn vang vọng trong sáng tác của nữ nghệ sĩ như ý niệm về nghệ thuật như một “tử cung” hay “bến cảng” của kí ức tập thể sẽ đưa người xem bước vào những chiếc rương báu chứa những kỷ vật của quá khứ và hiện tại. Cả ba nghệ sĩ trong khu vực này đều đặc biệt lưu tâm tới sự truyền thừa các giá trị tinh thần cùng sự tích lũy tính thiêng trong vật chất và sự vật. 

tac_pham_cua_truong_cong_tung
Tác phẩm “Ụ đất tha hương” của Trương Công Tùng.
Ảnh: Địa tầng số 0

“Một lịch sử ẩn mật” là phần cuối của triển lãm, nơi soi chiếu vào lịch sử gia đình và ký ức cá nhân – những mảnh “vi sử” (micro – history) đã và đang tồn tại song song với lịch sử cộng đồng và ký ức tập thể. Hoàng Dương Cầm với “Lễ trong bình minh” và “Phòng thí nghiệm trong rừng” cùng với Trần Tuấn với “Ngón tay trỏ” đã mang tới những câu chuyện về gia đình để phóng chiếu về một thời kỳ lịch sử. Phan Thảo Nguyên mang đến tác phẩm hình ảnh động “Giấc trưa nhiệt đới” lấy cảm hứng từ cuộc viễn du của nhà truyền giáo Alexandre Rhodes để kể câu chuyện về một giấc mơ trưa đầy huyền ảo trong một ngôi làng chỉ có trẻ em. 

tac_pham_cua_phan_thao_nguyen
Tác phẩm sắp đặt video “Giấc mơ trưa nhiệt đới” của Phan Thảo Nguyên.
Ảnh: Hoàng Lê

Đặc biệt, tranh giấy về chiến dịch Điện Biên Phủ trên không của điêu khắc gia lừng danh Điềm Phùng Thị lần đầu tiên ra mắt công chúng cùng những tác phẩm về chiến tranh của Võ An Khánh đang soi chiếu lại nghệ thuật thời chiến trong một thời đại mới. Từ đây, thế hệ trẻ sẽ có thêm góc nhìn đa chiều về lịch sử khác với những hình dung vốn thấy về sự ác liệt, thảm khốc của chiến tranh. 

diem_phung_thi
Tác phẩm “B52 dưới trời Việt Nam” của Điềm Phùng Thị.
Ảnh: Địa tầng số 0
vo_an_khanh
Tác phẩm “Đoàn ca múa khu Tây Nam Bộ đang luyện tập” của Võ An Khánh.
Ảnh: Địa tầng số 0

Các tác phẩm của 12 nghệ sĩ khi được tái định hình, soi chiếu dưới những góc tiếp cận khác ở “Địa tầng số 0” đã thể hiện nỗ lực bóc tách và ghi dấu những uốn nếp, đứt gãy, bồi tụ đang diễn ra bên trong mạch ngầm văn hóa và lịch sử. Từ đây, “Địa tầng số 0” truyền tải được mong muốn phơi lộ mặt cắt đa tầng của dòng chảy nghệ thuật Việt, truyền tải tinh thần của một Việt Nam đương đại đang không ngừng dịch chuyển. Triển lãm hứa hẹn sẽ mang tới những cuộc đối thoại sâu sắc với người xem, từ đó gợi mở cho họ những suy tư, chiêm nghiệm về lịch sử và đời sống.

Triển lãm “Địa tầng số 0 | Stratum Zero chào đón khán giả yêu nghệ thuật đến thưởng lãm đến hết ngày 3-12. 

Viết bình luận
Chia sẻ

Bài viết liên quan

‘Cất Cánh’ – Triển lãm nghệ thuật đánh dấu 20 năm AirAsia đồng hành cùng Việt Nam
‘Cất Cánh’ – Triển lãm nghệ thuật đánh dấu 20 năm AirAsia đồng hành cùng Việt Nam
‘Những gam màu tự do’ – Một đời kể chuyện bằng màu của họa sĩ Phạm Lực
‘Những gam màu tự do’ – Một đời kể chuyện bằng màu của họa sĩ Phạm Lực
Cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế danh giá nhất thế giới chính thức khởi động
Cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế danh giá nhất thế giới chính thức khởi động
‘Xé truyện bước ra’ – Khi văn chương thôi nằm yên trên trang giấy
‘Xé truyện bước ra’ – Khi văn chương thôi nằm yên trên trang giấy