artLIVE – Triển lãm Earthizen – Công dân Trái Đất thể hiện những hành trình tìm kiếm sự kết nối với Đất Mẹ thông qua những bức họa độc đáo và đặc sắc của các nghệ sĩ.
Ngày 11-11 vừa qua, 11:11 d’Artistes (TP.HCM) và 59 Rivoli (Pháp) kết hợp giới thiệu đến công chúng triển lãm Earthizen – Công dân Trái Đất. Ý tưởng này mang những hy vọng sẽ chạm đến trái tim mọi người bằng nguồn năng lượng nuôi dưỡng tích cực và tình yêu vô điều kiện của Mẹ Trái Đất.

Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày đề cao tính bền vững và đa dạng sinh học. Tất cả đều cất lên tiếng nói rằng con người không phải là cư dân duy nhất của hành tinh này, mà nhiều giống loài khác cũng coi Trái Đất là quê hương.
Mục tiêu của triển lãm nhóm Earthizen là gắn kết với thiên nhiên thông qua nghệ thuật tập thể, thể hiện tình yêu dành cho Mẹ Thiên Nhiên, sự đoàn kết, cùng nhau xây dựng và phát triển một cộng đồng ý nghĩa.
Triển lãm Earthizen ra đời từ sự hợp tác nghệ thuật độc đáo
Đây là lần đầu tiên 11:11 d’Artistes (TP.HCM) và 59 Rivoli (Paris) cùng nhau kết hợp, chương trình đưa 5 nghệ sĩ được tuyển chọn từ Paris – Pháp đến với bối cảnh nghệ thuật đang phát triển sôi nổi tại Sài Gòn – Việt Nam.
11:11 d’Artistes tại TP.HCM với không gian triển lãm nghệ thuật, là điểm đến sáng tạo mới mẻ trong thành phố. 59 Rivoli là một trung tâm dành cho những tâm hồn khám phá và yêu nghệ thuật.


Đây cũng được xem như tụ điểm của các nghệ sĩ, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật từ Paris và Châu Âu, đồng thời tổ chức các triển lãm nghệ thuật, các buổi hòa nhạc độc đáo, các sự kiện văn hóa – xã hội cho đông đảo công chúng tại thành phố Paris.
Sự hợp tác này mang trên mình một sứ mệnh to lớn: tạo nên cầu nối văn hóa giữa các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam, chung tay cộng hưởng sáng tạo và lan tỏa những thông điệp xã hội ý nghĩa thông qua nghệ thuật.
Có thể nói, việc kết hợp này đã kiến tạo nên một dịp vô cùng đặc biệt, hình thành cơ hội cho các nghệ sĩ thoát khỏi vùng an toàn, khai phá những ý tưởng mới: từ một Việt Nam với ánh đèn thành phố hoa lệ, rực rỡ, và năng động đến một Việt Nam với thiên nhiên hoang dã và sâu thẳm.
Nghệ thuật sinh sôi trong vòng tay của Mẹ Thiên Nhiên
Cả 59 Rivoli và 11:11 d’Artistes đều có cùng một quan niệm: nghệ thuật có thể tiếp cận và rộng mở với tất cả mọi người. Bất kỳ ai yêu thích nghệ thuật đều có thể dự phần vào tiến trình sáng tạo tại đây. Bởi lẽ, nghệ thuật không hề tồn tại ranh giới, càng không có chỗ cho sự phân biệt.
Chương trình mong muốn trao quyền cho cộng đồng nghệ thuật, hướng tới sự đoàn kết để lan tỏa nguồn cảm hứng: dù có sinh sống ở đâu, dù là bất kỳ ai, chúng ta đều là đứa con của Mẹ Trái Đất. Và hành trình này đã mang đến cơ duyên để các đơn vị nghệ thuật hợp tác với một tổ chức về thiên nhiên như Tà Lài Experience.

Trên diễn đàn nghệ thuật đương đại đã hiện diện không ít các dự án phản ánh những ảnh hưởng tiêu cực của con người hiện đại lên hệ sinh thái và tài nguyên môi trường. Từ đó, chương trình muốn truyền tải thông điệp đầy tích cực: làm thế nào để bảo vệ được một Trái Đất khỏe mạnh? Qua đó, những nghệ sĩ của chương trình có dịp thu thập và tạo ra các các phẩm của họ từ vật liệu tái chế, cùng các chất liệu từ bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ta Lai Experience tọa lạc trong vườn quốc gia Cát Tiên, đã chào đón nhiều nghệ sĩ quốc tế và đem đến cho họ những trải nghiệm thiên nhiên và bản sắc dân tộc thiểu số Việt Nam thật sự khác biệt. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái, có sự đồng hành của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), là nơi một số nghệ sĩ của chương trình lưu trú và được truyền cảm hứng cho các sáng tác của họ.
Những nghệ sĩ tìm kiếm con đường kết nối với Đất Mẹ
Arthur Capmas
Arthur Capmas là một nghệ sĩ đến từ Paris, Pháp. Sau những năm học về thiết kế đồ họa và hoạt họa, anh trở thành thành viên của 59 Rivoli.

Arthur bắt đầu với việc phác họa, song việc khắc chữ lại chiếm một phần quan trọng trong công việc của anh. Công việc thiết kế đồ họa và minh họa gắn liền với cuộc sống trong studio, điều này đã tạo nên cơ duyên cho Arthur minh hoạt cuốn Tiểu thuyết về sông của Philibert Humm.
Lần này, Arthur hứa hẹn sẽ mang đến sáng tác cho cuốn tiểu thuyết minh họa thứ hai, lấy cảm hứng từ The Jungle Book của Rudyard Kipling chỉ với hai màu đen và trắng. Các chất liệu sáng tác của anh luôn được nuôi dưỡng bởi sự kết hợp giữa trí tưởng tượng và cách vẽ quan sát truyền thống, lấy cảm hứng từ các nghệ sĩ như Gustave Doré, Moebius và Nicolas de Crecy.

Arthur đến Việt Nam với mong muốn được trải nghiệm thế giới giả tưởng mà anh đang sáng tạo. Trong nhiều tháng, anh đã minh họa cuốn tiểu thuyết Rừng Già – Jungle Book, trong ký ức tuổi thơ và trí tưởng tượng của mình.
Những trải nghiệm tại Việt Nam đã mang lại cho anh cơ hội hòa mình vào môi trường rừng rậm thực sự và chuyển từ vẽ tranh chỉ bằng trí tưởng tượng sang ghi lại những gì anh quan sát được trực tiếp: rừng rậm nhiệt đới rực rỡ, nơi ẩn náu của nhiều loài động vật hoang dã và thảm thực vật xanh tốt ở Tà Lài.

Không chỉ đơn thuần là tái tạo một thế giới bí ẩn, Arthur còn đang thực hiện sứ mệnh nhắc nhở mọi người về sự cần thiết của việc bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, cùng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường tự nhiên và hạnh phúc của cư dân trong đó, bao gồm cả hệ thực vật và động vật.
Sandra Chérès
Có thể nói, điện ảnh là lĩnh vực ưa thích của Sandra Chérès. Những kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực điện ảnh đều gây nên các ảnh hưởng nhất định đến hành trình nghệ thuật của cô. Sandra Chérès đã tập hợp các tác phẩm nghệ thuật của mình giống như các chuỗi tiếp nối trên cùng một thước phim.

Câu chuyện xuất hiện trong các tác phẩm của Sandra đã phản ánh trải nghiệm cuộc sống của cô. Các tấm ảnh trong những cuốn tạp chí cũ mà cô thu thập từ thời niên thiếu đã trở thành chất liệu chính để nữ nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.

Cô tận dụng thời gian lưu trú nghệ sĩ của mình tại TP.HCM để thu nhặt và tạo ra các tác phẩm mới từ việc xé dán các tấm áp phích và các nhãn dán ngoài đường phố hay bất cứ nơi đâu.
Cô không ràng buộc bản thân vào một cách thể hiện duy nhất mà đa dạng hóa trải nghiệm nghệ thuật của mình nhiều nhất có thể. Sự độc đáo trong việc sáng tạo của cô trước hết đến từ lời mời đồng sáng tạo dành cho khán giả khi họ có thể tự mình ghi những thông điệp cá nhân lên thẻ giấy kraft .

Tác phẩm nghệ thuật của nữ nghệ sĩ không hề có sự giới hạn trong chất liệu, cụ thể là về vật liệu tái chế: chúng đa dạng kích thước, kết cấu và khối lượng. Các chất liệu đan xen và hòa quyện với nhau, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.


Ảnh: artLIVE.
Christoph Haase
Christoph Haase là một họa sĩ trẻ người Pháp gốc Đức với niềm đam mê vẽ tranh phong cảnh. Khi tự học, anh bắt đầu bằng những bức vẽ tự phát, theo bản năng, tập trung vào khuôn mặt và hình bóng với nét trừu tượng.

Bên cạnh việc học, Haase bắt đầu sự nghiệp của mình, tham gia các cuộc triển lãm và hoàn thành chương trình lưu trú của nghệ sĩ, anh tham gia tập thể nghệ sĩ 59 Rue de Rivoli ở Paris, được tiếp xúc với nhiều khán giả hơn.
Chịu ảnh hưởng của Lịch sử nghệ thuật, Haase pha trộn hình tượng phong phú với thẩm mỹ theo chủ nghĩa biểu hiện mới. Tác phẩm của anh tìm kiếm, khai phá những cõi mộng mơ qua những bức tranh mang tính biểu cảm, biểu tượng.

Trong tác phẩm của mình, anh khai thác sâu vào các cách thể hiện trừu tượng về hình dạng con người, coi nó như một ngôn ngữ biệt lập với các mật mã và ngữ pháp riêng.
Dao động giữa hình tượng và trừu tượng, tác phẩm của Chris tập trung vào sự chuyển động. Người thưởng thức có thể nhìn thấy được nét đặc trưng trong các bức vẽ của nghệ sĩ bởi sự “chơi đùa” liên tục với kết cấu. Nhiều lớp được chồng lên nhau thông qua việc sử dụng các vật liệu khác nhau là dệt, giấy, gỗ và vải.


Ở Việt Nam, nghệ thuật của Chris lấy cảm hứng từ hệ thực vật tươi tốt tràn ngập không gian đô thị. Những yếu tố thực vật tượng hình như tre, cây chuối và hoa hồng được tìm thấy trong sợi giấy và vải được sử dụng này đã tạo nên tác phẩm nghệ thuật.

Trong triển lãm lần này, nam nghệ sĩ đưa ra một góc nhìn về Việt Nam bằng cách họa lại lịch sử, truyền thuyết của đất nước và khuôn mặt của những người mà anh đã gặp.
Negin Rouhbakhsh
Nữ nghệ sĩ chính là hậu duệ của họa sĩ nổi tiếng người Iran – Jafar Rouhbakhsh. Ông là người đã đưa Negin vào thế giới hội họa, đồng thời cũng trở thành nguồn cảm hứng vô tận đối với cô.

Ngoài ra, Negin cũng lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ di sản văn hóa lâu đời của Ba Tư, qua việc thể hiện các hoa văn phức tạp trên thảm trang trí của Iran. Khi trưng bày trước công chúng, các tác phẩm của họa sĩ Negin Rouhbakhsh đã tạo được hiệu ứng “kép” với thị giác của khán giả.

Mới thoạt nhìn, những cảm hứng từ di sản văn hóa Ba Tư hiện lên vô cùng sắc nét. Nghệ thuật khắc khảm và dệt thảm Ba Tư đã được thể hiện đặc sắc từ sự hòa quyện sống động của màu sắc, sự phức tạp, tinh xảo của hoa văn, hay là sự đan xen vô tận của các đường nét vẽ trên bề mặt canvas.
Tiếp nối với hơi thở của thời đại với nghệ thuật trừu tượng nửa sau thế kỷ 20, Negin sử dụng chất liệu sáng tạo từ chip điện tử được tìm thấy trên bo mạch của máy tính trung tâm. Những mạch in này đảm bảo sự kết nối của tất cả các thành phần và bộ vi xử lý.

Đến Việt Nam, cô đã thu thập thêm các chi tiết hoa văn từ những người dân tộc thiểu số Châu Mạ mà cô được gặp gỡ ở Tà Lài. Sự kết hợp độc đáo giữa bản sắc văn hóa Ba Tư và dân tộc thiểu số Việt Nam hiện lên ấn tượng qua các tác phẩm mới nhất của Negin. Đây là minh chứng thuyết phục cho khả năng đồng sáng tạo và sự trân quý các giá trị truyền thống của các dân tộc.
Luigi La Ferla
Đến từ Comiso, Italy, Luigi đã tham giao vào Ban Giám đốc của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại 59 Rivoli ở Paris, nơi đặt xưởng vẽ của anh. Anh cũng đã trưng bày các tác phẩm khảm của mình ở Milan – Ý, Florence – Ý, Praha – Cộng hòa Séc, Budapest – Hungary và Berlin (Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí Berlin) – Đức.

Từ năm 2016, anh là người tổ chức và phụ trách Lễ hội tranh khảm đương đại quốc tế tại Paris (FIMCP). Các tác phẩm của anh thường được trưng bày ở nhà riêng trên khắp thế giới như tại Hoa Kỳ, Canada, Úc và Châu Âu.
Anh cũng được biết đến như một giảng viên, diễn giả tại các hội thảo về tranh khảm đương đại tại Học viện Mỹ thuật ở Florence – Ý , Artistic Lyceum ở Pisa – Ý. Từ năm 2013, anh bắt đầu dạy tranh khảm đương đại ở Paris, Pháp.

Những dự án của Luigi thường có mục đích nắm bắt khái niệm Entropy thông qua nghệ thuật khảm – mosaic. Trong lĩnh vực Entropy, khi vật liệu trải qua quá trình chuyển đổi trạng thái, nó sẽ giải phóng năng lượng sống không bảo toàn.

Tuy nhiên, thông qua hành động khảm, Luigi đã tập hợp lại các yếu tố, mang đến cho những mảnh đá vòng đời thứ hai. Anh đã tạo ra một bản đồ nhìn từ trên không của TP.HCM bằng cách sử dụng những vật liệu bản thân thu thập được trong thành phố.
Những vật liệu này bao gồm những mảnh gạch, ngói và đá được tái chế, đã hấp thụ chính bản chất và năng lượng của thành phố và cư dân của nó. Bản đồ thu được không phải là sự thể hiện chính xác về mặt địa lý của thành phố mà nó phản ánh mối liên hệ tình cảm của Luigi với chuyến thăm của anh. Thông qua nỗ lực nghệ thuật này, anh mong muốn truyền tải sự hoạt bát và năng động đặc trưng của thành phố.

Triển lãm Earthizen đang diễn ra và tiếp tục chào đón những ai yêu thích nghệ thuật đến ngày 31-12 tại không gian 11:11 Espace.