artLIVE – Họa sĩ Đào Hải Phong đã tái hiện lại những sắc thái, cảm xúc của mùa thu một cách rất gần gũi và chân thực mang đến cho người xem cảm nhận và nhìn thấy mùa thu trong tâm hồn mình qua triển lãm Thu phong.
Chiều ngày 29-9, triển lãm cá nhân của họa sĩ Đào Hải Phong mang tên Thu phong chính thức khai mạc và mở cửa đón khán giả đến thưởng lãm tại phòng trưng bày nghệ thuật HAKIO- Let’s Art (TP. HCM).
Luôn muốn tạo ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn của riêng mình
Đào Hải Phong sinh năm 1965, tại Hà Nội và thuộc thế hệ nghệ sỹ đổi mới của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Được biết, từ nhỏ anh là một người vô cùng tăng động, không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Có lần, anh từng phá hỏng chiếc đồng hồ có con gà mổ thóc chỉ vì muốn biết bên trong nó có cái gì…
Tuy nhiên, từ những hình vẽ nguệch ngoạc và không đầu không cuối trên những tờ giấy một mặt mà mẹ đã mang từ cơ quan về, Đào Hải Phong đã bắt đầu nuôi dưỡng niềm say mê với hội họa. Lớn lên, anh là một chàng trai dễ bảo và ngoan ngoãn. Anh đã nghe lời bố thi vào trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Sau khi ra trường, anh về làm việc tại Xưởng phim Truyện Việt Nam hơn 10 năm và cuối cùng nhận ra, anh không thuộc về điện ảnh mà là hội họa.

Ngã rẽ đó đã thay đổi số phận và cuộc đời Đào Hải Phong. Từ một người không tên tuổi, anh được ghi nhận là một trong những họa sĩ cách tân của thời đổi mới. Cũng giống như các họa sĩ khác, Đào Hải Phong chịu ảnh hưởng trong lối vẽ của không ít các danh họa. Anh tự tìm cho mình một con đường riêng và một mình “cày cuốc”, không chịu núp bóng hay ảnh hưởng từ các họa sĩ nổi tiếng. Con đường này không hề dễ dàng nhưng lại cho ra các tác phẩm của riêng anh.
Trong nhiều năm, Đào Hải Phong đã khẳng định mình như một gương mặt độc đáo của mỹ thuật Việt Nam. Những phong cảnh của ông trầm mặc mà mơ màng, với một bút pháp hội họa có lực xuyên suốt vượt qua sự gợi tả của bề mặt hình và màu sắc để động chạm tới ký ức sâu lắng của con người. Từ đó đến 2019 ông tham gia nhiều cuộc triển lãm nhóm, cá nhân trong và ngoài nước. Phần lớn tranh của ông đều xuất ngoại. Năm 2019 cuộc “Lối Phong” tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc – Hà Nội, Việt Nam đã mang lại tin vui khi một trong những tác phẩm của ông đã thuộc về bộ sưu tập của bà Hillary Clinton.
Góc nhìn vị tha về sao chép tranh
Đào Hải Phong là một trong số ít nghệ sĩ có tranh bị chép nhiều nhất ở Việt Nam. Trong khi những tác phẩm gốc hầu hết lại bán ra nước ngoài. Ông bày tỏ về vấn đề nhức nhối đó với quan điểm rất nhân văn: “Tôi cũng hiểu rằng, hình thức mỹ thuật của tôi đã gây một ấn tượng mạnh nhưng không phải ai cũng có điều kiện để sở hữu tranh gốc, do đó, có thể chép trong trường hợp chọn kích thước nhỏ hơn và ghi chú rõ là tranh chép. Tôi cũng biết có họa sĩ trẻ từng đến gặp tôi và nói rằng, anh ta đã chép tranh của tôi bán lấy tiền trong thời gian chờ vợ sinh con.”

Ngoài ra, một câu chuyện khác, Barton Rubenstein – nhà điêu khắc người Mỹ đã gửi thư nói về việc ông ta đã mua một bức tranh chép của họa sĩ Hải Phong từ một cậu sinh viên học Mỹ thuật, Việt Nam. Được biết, Barton Rubenstein cũng là một người làm nghệ thuật có nhiều thành công trong sự nghiệp của mình. Vì vậy, ông ấy đã có một cái nhìn rất rộng lượng khi viết vào bức những dòng tâm sự đầy sâu sắc: “Cậu sinh viên ấy đã chết rồi, cho nên ông hãy vui, vì khi cậu ta chết đi, cậu ta đã mang theo cả cái hình ảnh hội họa của ông trong tâm trí cậu ta. Một người nghệ sĩ, đạt được điều ấy rồi, thì nhìn nhận việc sao chép cũng sẽ bao dung và vị tha hơn.”
Qua những câu chuyện ấy khiến họa sĩ Đào Hải Phong tin rằng: “Nghệ thuật là làm cho mình tự hoàn thiện. Đậm nhạt trong một bức tranh rất quan trọng để làm cho bức tranh có chiều sâu và sự hấp dẫn. Nhưng quan trọng hơn, đậm nhạt trong nghệ thuật cũng là đậm nhạt trong đời sống, anh có đời sống giàu có bao nhiêu thì tranh của anh sẽ có sức nặng bấy nhiêu.”
Triển lãm Thu phong
Năm nay 2023 với điểm đến là Sài Gòn, lần đầu tiên khán giả yêu nghệ thuật sẽ được thưởng lãm cùng lúc một số lượng khá nhiều với 58 tác phẩm tranh về mùa thu của họa sĩ Đào Hải Phong do ông quyến luyến mà lưu lại qua nhiều năm.
Bà Trang Hạnh – chủ không gian HAKIO-Let’s Art chia sẻ: “Anh yêu thu và hoài niệm thu đến ám ảnh. Gửi gắm nỗi niềm vào tranh, anh biến những ký ức hiện thực trở thành bình yên đến phi lý.”
Mùa thu là mùa giao giữa hạ sang đông nên ngầm ngập sắc thu là sự dịch chuyển của khắc khoải, của trăn trở như luyến tiếc. Thiên nhiên chuyển mình, tạm biệt mùa hạ sôi động để dần chìm vào mùa đông u hoài. Thu của họa sĩ Hải Phong chứa đựng là tất cả sắc thái ấy, nhưng vẫn mênh mang bảng lảng tựa giấc mơ. Những mảng tơ trời vấn vương như lụa. Ánh trăng bàng bạc biếc trên mái nhà nóc phố. Đó là đêm thu với ánh sáng ấm áp từ khung cửa sổ của nếp nhà nhỏ dưới vòm cây yên ả.


Bên trong tổ ấm đó, khán giả có thể cuộn tròn thong thả nghe thu chuyển mình. Đó là chiều thu với mặt sông loáng nước bóng con thuyền neo trên bến bình yên. Đôi khi chúng ta vì mải nhìn ra thế giới mà có thể quên mất rằng, dù phong phú hay rất đỗi bình dị thì phía sau nhà ta, bên trong nhà ta luôn là điều tuyệt vời đẹp đẽ nhất, đúng như họa sĩ từng nói: “Hội họa của Tôi chỉ nhắc lại rằng phía sau nhà Bạn rất đẹp.”
Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã vô cùng xúc động khi ngắm hàng loạt những bức tranh Thu của họa sĩ Đào Hải Phong. Ông viết rằng: “Sắc màu trong tranh đang cất lên tiếng nói khi thì tha thiết, lúc lại dịu dàng. Cây vàng, cây đỏ, cây tím, cây xanh… như trong “rừng thu từng biếc chen hồng” cũng muôn màu kỳ ảo dù trên phố xá Hà Nội thân quen hay một vùng có núi, có sông yên ả.
Và náu mình dưới bóng cây là những nếp nhà lặng lẽ, chở che những con người đang mơ mộng, xa xa ngoài bến sông neo một con thuyền dường như chưa tỉnh giấc. Như thể cõi tranh của Đào Hải Phong luôn dẫn dụ ta vào những giấc mơ lạ lùng – giấc mơ của những vì sao.”
Nhà văn Đăng Tiêu với góc nhìn chân thực
Họa sĩ Đào Hải Phong đã tìm được chính mình
Nghệ thuật, bản chất là một cuộc chơi. Điểm khởi đầu và đích đến của nó suy cho cùng là bất vị lợi. Cuộc chơi nào cũng có luật, nhưng may mắn (hay có lẽ cũng là khó khăn) ở chỗ mỗi nghệ sĩ có thể, cần hay buộc phải tạo ra luật chơi cho riêng mình. Đấy chính là đặc thù của sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ chẳng gì in đậm bản sắc cá nhân một cách hiển nhiên, lãng mạn và rực rỡ như tác phẩm nghệ thuật. Tranh Đào Hải Phong đã mang đầy bản sắc cá nhân như thế. Con đường đó anh đã đi và chưa từng có ý định dừng lại.

Thành danh từ 30 năm về trước, điều khiến cho người họa sĩ vẫn tiếp tục lãng du trên con đường của mình, như thể đó chính là cuộc sống của anh, như thể không hề có lằn ranh giữa đời và nghệ thuật, đến mức anh nhận thấy hóa ra nó là cuộc hành trình vô thủy vô chung, không có điểm khởi đầu cũng như không có nơi kết thúc, ấy là vì anh đã tìm thấy chính mình. Giống như một cái cây tìm được đúng mảnh đất phù hợp để sống. Theo Đào Hải Phong, mỗi người đều là một cái cây, sẽ sống tốt trên mảnh đất của mình. Dẫu là loài thủy sinh hay cây giữa sa mạc, chỉ cần chọn đúng, những mầm xanh sẽ đâm chồi.
Đào Hải Phong không tái hiện khung cảnh trước mắt một cách diễm lệ
George Bernard Shaw từng bàn về sự sáng tạo: “Bạn nhìn thấy mọi thứ; và bạn nói “Tại sao?”. Còn tôi mơ những điều chưa từng có và tôi nói “Tại sao không?””. Nghệ thuật cho phép những giấc mơ được tồn tại. Họa sĩ Đào Hải Phong cũng đã vẽ lại giấc mơ của anh bằng sắc màu. Anh nói: “Tôi vẽ cái cây chưa nhìn thấy. Tôi không muốn vẽ cái cây đã nhìn thấy”.

Tranh Đào Hải Phong với những ngôi nhà, lùm cây, góc phố, ngọn đồi, mặt hồ, con thuyền… đã tái hiện không phải những khung cảnh bày ra trước mắt anh một cách diễm lệ, mà chính là sự diễm lệ của thứ anh “chưa nhìn thấy”. Đó có thể là sức mạnh của một vị thần anh từng cảm nhận được từ bóng hình cây gạo năm xưa. Cũng có thể là những hình ảnh chập chờn trong giấc mơ và ảo ảnh đó đủ lung linh để anh biến nó thành bức tranh “hiện thực huyền ảo”. Những thứ “chưa nhìn thấy”, những thứ không có thật mới chính là sự bí ẩn diễm lệ mà nghệ thuật kiếm tìm.
Tranh Đào Hải Phong vừa là bài thơ vừa là khúc nhạc
Nói tranh Đào Hải Phong như một bài thơ cũng không sai. Đúng với điều mà Leonardo da Vinci từng nói: “Tranh là bài thơ được nhìn thấy (hơn là được cảm nhận).” Những bức tranh của họa sĩ Đào Hải Phong lãng mạn ở đề tài, nên thơ ở những nét tròn mềm mại, ở khung nền phần nhiều là trơn phẳng êm dịu, ở hòa sắc vừa tương phản vừa có sự kết hợp hài hòa tinh tế.
Nói tranh Đào Hải Phong như một giai điệu cũng không sai. Âm nhạc dường như lúc nào cũng nhấn nhá du dương trong tranh anh. Tiết tấu của màu, nhịp điệu của từng hình vẽ cao thấp vuông tròn, thậm chí cả những âm sắc mỏng manh có thể cảm nhận được từ từng khúc luân chuyển sắc độ… tất cả tạo ra một thứ giai điệu vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, vừa sâu lắng vừa đắm say. Như một bản pop rock chậm rãi.

Cách dùng màu là một sự khẳng định bản thể của hội họa Đào Hải Phong. Trong một bức tranh, anh thường kết hợp các màu mà có lẽ với người khác là rất khó dùng: màu xanh thắm, màu đỏ rực, màu cam đậm, màu vàng chói lóa, màu tím ngăn ngắt… Nhiều khi chúng xuất hiện như những nốt nghịch trong một bản nhạc, song sự táo bạo, sự điên đảo, sự nổi loạn của chúng đã tạo ra một giai điệu mang tên Đào Hải Phong.
Nếu ai đã từng biết đến tranh Đào Hải Phong, hẳn sẽ là những dấu ấn ký ức khó phai. Các sáng tác của ông được triển lãm, trưng bày và nằm trong các bộ sưu tập nghệ thuật của Việt Nam, Singapre, Thụy Sỹ, Anh và nhiều nơi trên thế giới.
Triển lãm Thu phong sẽ mở cửa đón công chúng yêu nghệ thuật ngắm tranh đến hết ngày 15-10.