artLIVE – Triển lãm ‘Vùng lụa’ của họa sĩ Bùi Chát trưng bày 19 tác phẩm sơn dầu ‘giả chất liệu’ lụa, thể hiện được sự phá cách và sáng tạo đầy độc đáo.
Họa sĩ Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viễn. Trước khi bén duyên với hội họa, anh tốt nghiệp cử nhân ngành Văn học và từng xuất bản 7 tập thơ. Triển lãm cá nhân đầu tiên của nam họa sĩ mang tên Improvisatio diễn ra vào tháng 7 năm 2022. Phong cách hội họa của Bùi Chát được giới chuyên môn đánh giá là rất đĩnh đạc theo lối trừu tượng mạnh mẽ, tươi trẻ và đầy sức sống.

Chỉ trong vòng hai năm, họa sĩ đã có đến năm triển lãm cá nhân được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vùng lụa chính là “đứa con tinh thần” thứ sáu của nghệ sĩ trưng bày các tác phẩm sơn dầu, được sáng tác trong giai đoạn năm 2021 và 2022.
Mỗi giai đoạn trong hội họa là từng sự ứng biến
Khi nhìn qua hàng loạt các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm, người thưởng thức dường như nghĩ rằng chúng được sáng tác trên các tấm lụa. Thật chất, đây chính là các bức họa sơn dầu, được tạo nên một các đầy khéo léo, đánh lừa thị giác của người xem bằng trò chơi “giả chất liệu” của họa sĩ.


Mỗi bức tranh được trưng bày đều gợi mở những xúc cảm, những suy tưởng vừa sâu lắng, vừa mênh mang, miên man như trước những “lung linh đáy nước in trời” – vừa thật gần gũi, vừa bất định, mơ hồ. Họa sĩ Bùi Chát vẫn lựa chọn phong cách giao động giữa khuynh hướng Trừu tượng trữ tình và Biểu hiện trừu tượng trên tinh thần ứng biến khác nhau.
Tùy thuộc vào tình huống, hoàn cảnh và tinh thần, sự ứng biến này sẽ khiến cho tiến trình hội họa của nam họa sĩ trở nên đa dạng hơn, chứa đựng đầy những biến đổi đáng ngạc nhiên. Họa sĩ Bùi Chát gọi sự ứng biến này dưới cái tên khác là “Hội họa tình huống”. Nó không bắt đầu và kết thúc bằng một loạt những ý tưởng mà bằng các tình huống cũng như những các ứng biến trước những tình huống ấy.
19 tác phẩm sơn dầu ‘giả’ chất liệu lụa
Các bức tranh trưng bày trong triển lãm được sáng tác rải rác trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ. Chính vì vậy, khi thưởng thức tranh, người xem dễ liên tưởng đến tinh thần của chủ nghĩa Thoát ly – Escapism, muốn thoát khỏi cái hiện thực khốc liệt ấy. Có lẽ vậy mà họa sĩ chọn lựa những bảng màu mỏng mảnh, tạo nên cảm giác mờ ảo, mơ hồ để bộc bạch tâm trạng của chính mình.

Xem Vùng lụa, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận xét: “Thoạt trông, như những bức tranh lụa. Tuy nhiên, đây không chỉ là trò chơi ‘giả chất liệu’ thuần túy, mang tính hình thức. Mà mỗi bức tranh ở đây đều gợi mở những xúc cảm những suy tưởng vừa sâu lắng, vừa mênh mang, miên man như trước những ‘long lanh đáy nước in trời’ – vừa thật gần gũi, vừa bất định, mơ hồ”.
Với họa sĩ Bùi Chát, vẽ cũng như một cách để tư duy, và tranh trừu tượng trở thành một công cụ hữu hiệu để rèn luyện tư duy phi hình tượng. Có thể nhận ra, trong loạt tranh Vùng lụa là một bước lặp lại và chuyển biến đầy khác biệt.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Hà Vũ Trọng, Vùng lụa như thể “được lấy cảm hứng từ khoảnh khắc giữa ngủ và thức, khi ta cảm nhận được luồng ánh sáng ban mai ập vào sau mí mắt khi chưa kịp mở ra.
Khoảnh khắc ấy những màu sắc hỗn độn mờ nhạt như khi nhìn thật gần. Trong con mắt tâm trí, một ngày mới đang từ từ đến với đời sống, những khoảng màu sắc lung linh và luân lưu như những luồng ánh sáng bức xạ của những tinh vân đang chuyển động, khuếch tán màu sắc, và se nên những sợi siêu tơ trời, dệt nên những vùng như lụa uyển chuyển và trữ tình”.
Thủ pháp vẽ tranh của nam họa sĩ tương tự “sfumato” (trong tiếng Ý có nghĩa là khói mờ). Nó làm dịu đi quá trình chuyển đổi giữa các gam màu, làm nhòe đi lằn ranh của mọi thứ hiện trên toan vẽ: không còn tiêu điểm.
Những sắc màu xuất hiện tựa hồ như mang trạng thái và tính chất của khí lỏng. Trong khoảng không ấy, mọi hình thể tan biến trong sự chuyển động, từ mặt phẳng, đường nét cho đến màu sắc đều được hòa trộn thành một tổng thể độc đáo.

Không gian trưng bày cũng góp phần quan trọng trong việc gợi nên cảm giác cho người thưởng lãm. Các tác phẩm tuy “giả chất liệu”, nhưng điều đó lại thể hiện được sự sáng tạo, sự phá cách và thể hiện khả năng thể nghiệm của riêng họa sĩ. Những bức họa kết hợp với không gian mang lại một cảm giác về vùng sáng của lụa trong tâm trí người xem.

Vùng lụa mời gọi người xem bước vào thưởng thức, ngắm nhìn, cảm nhận rồi từ đó mà tạo nên những hành trình phiêu lưu của riêng mình, như họa sĩ Bùi Chát đã chia sẻ: “Khi chạy theo các tình huống hội hoạ… mặc dù không thể biết mình đang đi đâu và sẽ đến đâu, các nghệ sĩ cảm thấy vui vẻ và khoái cảm vì điều đó, một cảm giác phiêu lưu thuần tuý”.
Triển lãm Vùng lụa chào đón công chúng thưởng lãm đến hết ngày 15-4 tại không gian J Art Space – 30 đường số 10, Thảo Điền, Thủ Đức.
Ảnh: J Art Space
Tham khảo
Facebook giám tuyển Lý Đợi
Nhà phê bình mỹ thuật Hà Vũ Trọng